Chúng ta ai cũng đã từng nghe những cụm từ như giày running, giày chạy bộ và giày training, giày tập luyện nhưng thực sự hiểu rõ sự khác biệt, điểm lợi/hại hay những rủi ro nếu sử dụng sai chức năng thì không nhiều người.
Theo một nghiên cứu của trường đại học American College of Sports Medicine, 85% số người được thăm dò và kiểm tra mang sai giày khi chạy bộ.
1. Công dụng của giày running & tranning
Điểm khác biệt đầu tiên cần kể đến chính là công dụng của từng loại giày. Hiểu một cách đơn giản giày chạy bộ là những đôi giày dành riêng cho việc chạy bộ, chuyển động cơ thể trong chạy bộ chủ yếu theo phương thẳng đứng, hơi hướng về phía trước.
Còn giày luyện tập là những đôi giày được thiết kế cho nhiều chuyển động phức tạp hơn, đáp ứng nhiều bài tập khác nhau, chủ yếu các bài tập trong phòng tập như nâng tạ, đấm bốc, Dead lift, Cross-Train, yoga, …
Có thể thấy giày luyện tập là một đôi giày đa di năng, đáp ứng được nhiều mục đích hơn so với giày chạy bộ vì thế trong một số trường hợp thay vì sử dụng giày chạy bộ người ta sử dụng giày luyện tập cho các đường chạy. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc bạn có thể sử dụng giày chạy bộ thay cho giày luyện tập đâu nhé vì thực tế thì giày chạy bộ chỉ chuyên dụng cho việc chạy bộ mà thôi.
Để đôi giày phát huy hết công dụng, các hãng giày luôn đưa vào đó những thiết kế đặc biệt riêng. Chính vì thế sự khác biệt về công dụng luôn đi kèm với sự khác biệt trong thiết kế. Đối với giày chạy bộ và giày luyện tập cũng vậy.
2. Khác biệt về cấu tạo, thiết kế
Giày chạy và giày tập thoáng nhìn thì có hình dạng không khác biệt nhau là mấy. Nhưng điểm khác nhau rõ ràng nhất nằm ở bộ đế giày và phần gót.
Đối với giày chạy, đế giày cần có cấu tạo và hình dạng đảm bảo hỗ trợ dạng lực tiếp đất từ gót đến ngón của bàn chân. Vì lý do này, phần gót giày cũng nhô cao hơn một chút để gia tăng sự êm ái, nâng đỡ cũng như phản hồi năng lượng (energy return) và tính hấp thụ lực.
Như đã nói ở trên, giày tập cần phải đảm bảo hỗ trợ linh hoạt và chắc chắn cho bàn chân ở nhiều dạng di chuyển và vận động từ nhẹ, vừa đến nặng khác nhau. Để đảm bảo độ vững chắc và bám trụ cho mọi bài tập, đế giày tập sẽ được làm bằng phẳng (phần gót thường không nhô cao hơn một chút so với phần ngón như giày chạy).
Điểm chú ý về trọng lượng
Trọng lượng của giày tập cũng thường nặng hơn so với những phiên bản giày chạy. Phần đế của giày tập thường được trang bị thêm các miếng cao su hai bên để giúp tăng độ bám bề mặt khi tập. Chi tiết này là không cần thiết trên giày chạy (vì chỉ cần trang bị ở phần gót và mũi giày) nên giúp giảm trọng lượng.
Hơn nữa, phần thân upper của giày tập cần được gia cố tốt hơn bằng những vật liệu cứng cáp hơn để đảm bảo giữ vững, bảo vệ bàn chân và cả cổ chân khi thực hiện các di chuyển phức tạp. Ở giày tập, trọng lượng nhẹ nhờ việc bỏ bớt những chi tiết dư thừa là một ưu tiên hàng đầu, đảm bảo cảm giác nhẹ nhàng nhất cho bàn chân khi liên tục chạy.
Phân biệt về kết cấu của giầy
Giày training ở phần đế luôn có các miếng cao su ở khu vực hai bên. Còn giày running thì phần đế chỉ có miếng cao su ở phần mũi và gót.
Đối với giày training thì phần thân giày được gia cố rất tốt. Được làm từ những vật liệu vừa cứng lại vừa chắc, để đảm bảo bàn chân và cổ chân được giữ một cách chắc chắn ở trong giày mỗi khi thực hiện di chuyển về 4 hướng.
Giày running đáp ứng yêu cầu về việc chạy, nên phần thân giày sẽ lược bỏ bớt thành phần không cần thiết, để giúp giày trở nên nhẹ hơn.
Cách gọi tên
Nếu bạn nghe đến tên gọi như training hay giày trainer hay từ viết tắt như TR hay CR ở tên của giày, thì đây là tên gọi của giày training, giày tập luyện đa năng. Ví dụ như Nike Free Trainer 3.0 hay Nike Air Trainer chẳng hạn.
Còn với giày chạy bộ running thì về tên gọi không có cách đặt tên theo quy chuẩn nào cả. Ví dụ như Nike Zoom Fly hay Nike Free 5.0…
3. Giày Training là gì?
Giày training là gì? là điều mà rất nhiều quan tâm đến. Thực chất giày training (giày tập luyện) hỗ trợ cho các hoạt động đa chiều, bao gồm: nhảy, tăng tốc và giảm tốc, và thay đổi hướng một cách đột ngột.
Điều này làm cho một đôi giày training trở nên đa năng và phù hợp cho nhiều loại hoạt động tập luyện. Bạn có thể xem giày training là một đôi giày tất-cả-trong-1 (all in one).
Ngoài ra, giày trainer cũng thường có thiết kế phẳng. Độ chênh lệch giữa phần gót và mũi giày bằng không hoặc rất ít.
Khi nào nên sử dụng giày Training?
- Các lớp Gym cường độ cao, tập luyện ngoài trời: Chọn giày có đệm cho những va chạm mạnh và các bài tập chạy ngắn.
- Nâng tạ (Weight lifting): Chọn loại giày training có hỗ trợ gót chân để bạn có thể thực động tác squats và đứng lên một cách dễ dàng.
- Tập thể lực (Strength training): Chọn loại giày có hỗ trợ chiều rộng để có thêm không gian cho ngón chân cái.
- Tập linh hoạt (Agility training): Chọn đế giày có rãnh để tăng lực kéo trong quá trình chuyển động đa chiều, đa hướng.
Bạn có thể sử dụng giày training để chạy các cự ly ngắn trên máy chạy bộ. Tuy nhiên, với các cự ly trên 5km và thường xuyên thì nên sử dụng giày running để có thể hấp thụ sốc tốt hơn.
Những hỗ trợ khi mang giày Training
- Giày training nam hay nữ đều có phần upper (phần thân trên) thoải mái và đế giữa (midsole) linh hoạt hỗ trợ cho chuyển động đa hướng.
- Chênh lệch gót-và-mũi (heel-drop) thấp giúp chân bạn cảm giác với mặt đất tốt hơn cho các di chuyển cần tăng và giảm tốc tức thì.
- Giày training Nike, Adidas thường có trọng lượng nhẹ để có thể di chuyển dễ dàng và hiệu quả.
4. Giày Running là gì?
Giày Running là giày được sử dụng cho mục đích chạy bộ. Được thiết kế cho chuyển động gót-đến-mũi của bàn chân và thường chiều cao chênh lệch giữa gót và mũi khá lớn là do những công nghệ hỗ trợ và tạo đệm dưới gót chân.
Những công nghệ này giúp hỗ trợ cho một hành động chạy lặp đi lặp lại theo một chiều hướng về phía trước khi chạy.
Khi nào nên sử dụng giày Running
- Hoạt động chạy bộ và các hoạt động thể thao như chạy máy.
- Đi bộ, đi dạo phố
Những hỗ trợ khi mang giày Running
Giày running Nike, Adidas sẽ hỗ trợ chân của bạn trong mỗi hành động tiếp đất được lặp đi lặp lại nhiều lần.
Ngoài ra, giày running cũng có thêm chức năng đệm và hỗ trợ gót chân, đó là lý do gót giày running thường cao hơn so với giày training. Điều này sẽ giúp người chạy cảm thấy thoải mái hơn khi chạy trong thời gian dài vì bạn cần phải hấp thụ sốc khi tiếp đất.
5. Tác hại khi sử dụng giày running, training sai mục đích
- Không thoải mái: Nếu chọn giày sai mục đích có thể gây đau chân, phồng rộp, mang đến cảm giác không thoải mái mỗi khi tập luyện.
- Giảm hiệu suất: Mang sai giày sẽ không được hỗ trợ một cách tốt nhất trong quá trình tập luyện. Vì thế có thể làm giảm hiệu suất tập luyện của bạn.
- Gây chấn thương: Sử dụng giày không đúng mục đích, không được hỗ trợ mỗi khi mắc lỗi trong quá trình hoạt động và dẫn đến chấn thương.
Hy vọng với với những thông tin mà bài viết mà slowever.com chia sẻ, đã phần nào giúp bạn hiểu rõ hơn về giày training là gì, giày running là gì, sự khác biệt của chúng để lựa chọn cho mình loại giày phù hợp nhất cho quá trình luyện tập.